Publisher's Synopsis
Với Phật Pháp thì không có sinh không có diệt, không có cái bắt đầu nên cũng không có cái cuối cùng. Bởi vậy mới không có thời gian, và không có không gian.
Vì không có không gian, nên không có chỗ để chỉ.
Vì không có thời gian, nên không hề bị gián đoạn.
Nếu còn có chỗ chỉ định được thì còn có giới hạn, và gián đoạn là không hợp với chân lý Phật Pháp.
Để đúng với tinh thần Đạo Pháp, chúng ta chỉ có thể tạm gọi là
"Mừng Phật Thị Hiện Đản Sinh"Tuy hiểu như vậy, nhưng chúng ta vẫn phải kính trọng từ ngữ thế gian và truyền thống thế gian. Vẫn cần làm "Lễ Mừng Phật Đản Sinh", mục đích để kỷ niệm, để tán dương, để noi gương và để ghi ân công đức của Đấng Đại Giác Thích Ca Mâu Ni đã thị hiện "Đản Sinh", đã thiên biến vạn hóa, để lại biết bao đường lối, không ngoài mục đích thức tỉnh toàn thể chúng sinh ra khỏi Cơn Trường Mộng Vô Minh! Và vì Vô Minh, chúng ta đắm chìm, trôi lăn, sinh tử mãi mà vẫn không hay biết gì cả! Do lẽ đó ngày Đại Lễ Mừng Phật Đản Sinh rất cần thiết, vì ngoài việc tri ân còn để chúng ta nhắc nhở nhau, và noi gương Đức Phật mà suy tư.
Vâng, nếu chịu suy tư, sẽ thấy ngày Đại Lễ Mừng Phật Đản Sinh vô cùng tuyệt vời về cả hai mặt Đời và Đạo.
Về mặt Đời, xin nhắc lại một chút tổng quát của đoạn trên: Sở dĩ chúng ta làm Đại Lễ Mừng Phật Đản Sinh là để kỷ niệm, để tán dương, để ghi ân Đấng Cha Lành Thích Ca Mâu Ni đã thị hiện Đản Sinh, và đem Giáo Pháp truyền bá, mà giáo hóa và cứu vớt chúng sinh ra khỏi mê mờ, trần lao, sinh tử.
Về mặt Đạo, hỏi có ai lại không ngạc nhiên rằng: "Là chúng sinh thì chúng ta đều là những kẻ phàm phu!". Nhưng trong Kinh lại dạy rằng:
"Phàm Phu tức Phật, Phiền Não tức Bồ Đề"Vậy là sao? Làm thế nào để mà thành Phật cho được? Khi mà chúng ta có màn vô minh dày đặc bao phủ Thân Tâm, có đầy dẫy phiền não bởi mọi tập khí ô nhiễm, thói hư và tật xấu! Đó là cả một vấn đề vô cùng nan giải cần được giải quyết.
Theo Lục Tổ Huệ Năng thì
Niệm trước Mê, tức Phàm Phu
Niệm sau Ngộ, tức Phật
Niệm trước Chấp Cảnh, tức Phiền Não
Niệm sau Lìa Cảnh, tức Bồ Đề
Bởi thế, Niệm suy lường là Niệm Nhị Biên chấp thật, chấp giả, tức cái Niệm Phàm Phu Mê Muội, ngoài Chấp Tướng, trong Chấp Không! Trong Kinh gọi nó là Niệm Bất Giác. Niệm này không có nguyên do gì cả, nó tự khởi cái Giác: Kiến, Văn, Giác, Tri, là Cái Giác của Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt... (tức cái Biết, cái Thấy, cái Nghe của Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi...). Rồi từ cái Vọng Giác này đi xa hơn, nó lại tự chia thành Năng, thành Sở, tức là chia có Ta, có Người, có Cảnh Vật! Và đương nhiên nó chấp là "Có Thật" tất cả những thứ ấy!